[EEC] Đậu đại học là ước mơ, hoài bão của biết bao nhiêu cô cậu học sinh, là kết quả của cả quá trình 12 năm đèn sách, cố gắng, nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu mà mình đặt ra và mình hằng mong muốn. Cánh cổng đại học là một trong những cánh cổng được nhiều bạn trẻ ngày nay lựa chọn để tiếp tục theo đuổi trên con đường phát triển, hoàn thiện bản thân và kiếm cho mình một công việc, một tương lai ổn định sau này.
Tuy nhiên, cũng không có nhiều bạn khi mới bước chân vào môi trường đại học cảm thấy xa lạ, hoàn toàn mới mẻ, không kịp thích nghi và có khi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống tự lập, sa sút trong kết quả học tập, mắc nhiều cạm bẫy trong cuộc sống bởi không có sự quan tâm, che chở của người thân và gia đình... Vậy làm thế nào để các bạn tân sinh viên mới bước vào môi trường đại học có được một hành trang đủ để tự tin đối mặt với những khó khăn ban đầu của quãng đời sinh viên, thì những chia sẻ dưới đây sẽ câu trả lời cho câu hỏi đó và hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong thời gian đầu, và nếu có thể sẽ cho cả quãng đời sinh viên của mình.
Niềm vui khi trở thành sinh viên (Ảnh minh hoạ, sưu tầm) |
--
10 ĐIỀU SINH VIÊN NĂM NHẤT CẦN BIẾT?
10 ĐIỀU SINH VIÊN NĂM NHẤT CẦN BIẾT?
1. Ổn định chỗ ở
Nếu bạn là sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội hoặc các thành phố lớn để học thì hãy nhanh chóng tìm cho mình một phòng trọ, nơi ở phù hợp với tính cách và khả năng tài chính của gia đình. Thật vậy, các cụ ngày xưa đã có câu "an cư lập nghiệp", chỗ ăn ở nó phải ổn định thì làm gì mới làm được. Nếu xét xung quanh trường Đại Học Điện Lực mà giá cả phải chăng thì có thể kể đến như lối ở đường Trần Cung, Cổ Nhuế, Phạm Văn Đồng, Hồ Tùng Mậu... Tuỳ vào điều kiện, các bạn có thể tìm cho mình một chỗ ở hợp lý là được. Giá cả trung bình dao động từ 1tr2 - 2tr5/phòng.
2. Hãy tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt đầu khoá (hay còn gọi là buổi sinh hoạt chính trị đầu năm)
Tham gia các buổi sinh hoạt chính trị đầu năm, hoặc các buổi giao lưu với thầy cô, các anh chị khoá trước (như buổi chào tân sinh viên của trường, khoa mình chẳng hạn) để nắm bắt được các thông tin chính thức từ nhà trường, nắm được biết mặt, tên, chức danh và nhiệm vụ của các thầy cô để khi có thắc mắc gì có thể đến gặp để được giải quyết...Ngoài ra, qua các buổi sinh hoạt tập thể đó, bạn có thể làm quen được nhiều người, từ đó có thể kết bạn với nhau hoặc mở rộng mỗi quan hệ của mình, giúp ích cho sau này.
3. Giành thời gian để tham quan trường và các đường đến trường
Chắc chắn rằng bạn đã nhớ địa chỉ của trường mình và nơi đi đến trường. Có nhiều loại phương tiện đi lại cho bạn lựa chọn. Nếu gia đình bạn khá giả có thể đi xe máy, còn không nếu trọ ở xung quanh trường có thể chọn xe đạp và một phương tiện quen thuộc với sinh viên đó chính là xe bus. Nếu bạn là người thường xuyên đi lại, hoặc trong thời gian đầu mới đến Hà Nội, muốn đi "vi vu" thì xe bus là một sự lựa chọn hợp lý. Các tuyến xe bus đi qua Trường Đại Học Điện Lực: 07, 14, 35, 38, 45, 53 (Điểm dừng Điểm Trung Chuyển Hoàng Quốc Việt).
4. Hãy tụ tập bạn bè nhiều hơn một tí, và đi chơi nhiều hơn một tí
Năm đầu có lẽ thời gian bạn rảnh rỗi nhất, vì chỉ học những môn đại cương và hầu như chỉ có khoảng 5-6 môn/kỳ. Do vậy, thời gian rãnh rỗi bạn có thể tụ tập bạn bè, ăn chơi nhảy múa, đi tham quan Hà Nội để thư giãn sau khoảng thời gian miệt mài ôn thi đại học cũng được. Tuy nhiên, đừng quên việc học nhé. Thi lại vài môn còn được chứ học lại thì thực sự tốn tiền và thời gian.
Ảnh: Những chuyến "phượt" 1-2 ngày rất gây hứng thú cho các bạn trẻ |
5. Hãy tham gia vào một câu lạc bộ, hội nhóm, hoặc bất kỳ tổ chức nào có thể nâng cao kỹ năng bản thân và mở rộng mối quan hệ
Sẽ tốt cho bạn nếu bạn tìm cho mình một nơi để sinh hoạt, hoạt động ngoại khoá sau những giờ học chính ở trường. Điều này sẽ không chỉ giúp bạn năng động hơn, tự tin hơn mà còn giúp bạn mở rộng mới quan hệ của mình và học hỏi được nhiều thứ từ bạn bè và những anh chị khoá trên đi trước về cuộc sống, học tập cũng như mọi thứ trong cuộc sống. Tuỳ vào sở thích cá nhân và mong muốn của mình, các bạn hoàn toàn có thể chọn cho mình một câu lạc bộ, hội, nhóm phù hợp để tham gia sinh hoạt.
- Nếu bạn là một người yêu thích tiếng Anh, muốn tìm cho mình một môi trường tiếng Anh năng động, muốn trau dồi kỹ năng thuyết trình, tự tin nói trước đám đông, tìm hiểu văn hoá ngoại quốc, bạn có thể chọn đăng ký tham gia Câu Lạc Bộ Tiếng Anh.
- Nếu bạn là một người thích các hoạt động từ thiện, thích tham gia các hoạt động có tính phong trào, bạn có thể chọn đăng ký tham gia Câu Lạc Bộ Thanh Niên Tình Nguyện, Câu Lạc Bộ Máu.
- Nếu bạn là một người đam mê ca hát, nhảy múa, thích thể hiện bản thân trước đám đông, bạn có thể chọn đăng ký tham gia Câu Lạc Bộ Văn Nghệ, Câu Lạc Bộ Hiphop.
- Nếu bạn là người thích rèn luyện sức khoẻ, đam mê võ thuật, bạn có thể chọn đăng ký tham gia Câu Lạc Bộ Taewondo, Câu Lạc Bộ Karate của trường.
- Và còn nhiều những câu lạc bộ khác của trường hướng đến kỹ năng sinh viên như Câu Lạc Bộ Kỹ Năng Sống, Câu Lạc Bộ MC...
- Đối với những bạn đam mê học tập, đam mê nghiên cứu khoa học, có thể tìm đến các câu lạc bộ, nhóm chuyên biệt như Câu Lạc Bộ Nghiên Cứu Khoa Học, Câu Lạc Bộ Sinh Viên Tiết Kiệm Năng Lượng, Đội Robocon, Đội Tuyển Olympic Tin Học Sinh Viên của trường do Khoa Công Nghệ Thông Tin phụ trách...
Tuỳ vào sở thích và mong muốn, các bạn có thể xem xét và chọn cho mình một địa điểm thích hợp để hoạt động ngoài các giờ học chính ở trường.
Ảnh: Lễ hội Halloween năm 2012 với Câu Lạc Bộ Tiếng Anh |
6. Thường xuyên cập nhật thông tin của nhà trường
Một trong những khác biệt cách thức học và quản lý ở đại học đó chính là việc tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin. Do vậy, đòi hỏi bạn phải có tính chủ động và cập nhật thông tin từ nhà trường, khoa, các thầy cô liên tục. Nguồn tin đáng tin cậy nhất đấy chính là website chính thức của trường tại địa chỉ: http://www.epu.edu.vn. Tiếp đó, là bảng tin của các khoa và thông tin từ các giáo vụ khoa và thầy cô giáo bộ môn, lớp trưởng...
7. Tạo email cá nhân (hoặc email chung của lớp) và tập thói quen check mail hằng ngày và giao tiếp qua email
Bạn sẽ sử dụng đến email thường xuyên hơn trong quá trình học tập tại trường và cũng như trong tương lai sau này như xin thầy cô tài liệu, hỏi bài, nộp bài, hỏi điểm, báo cáo sai sót, đăng ký làm đề tài, đăng ký thực tập... Mọi hoạt động liên quan trong quá trình học tập tại trường sẽ chủ yếu được giải quyết thông qua email. Vì vậy, bạn nên lập ngay cho mình một tài khoản email (thường là Gmail) và học cách giao tiếp qua email để làm sao đạt được mục đích của mình.
8. Tham gia vào các mạng xã hội liên quan đến tin tức của trường, lớp và các nhóm học tập
Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, sẽ thật hơi vô lý nếu như khi sinh viên nào mà không dùng Facebook. Do vậy, hãy tận dụng mạng xã hội này để cập nhật, chia sẻ các thông tin liên quan đến trường, lớp, phục vụ cho nhu cầu học tập của mình. Biết đâu, trong số ấy, bạn có thể tạo cho mình các mối quan hệ giúp ích cho mình sau này. Tuy nhiên, vì mang đặc thù là mạng xã hội, nên các bạn cũng nên cân nhắc khi sử dụng, chất lượng, sự đảm bảo của thông tin trên này. Danh sách các link mạng xã hội mà sinh viên Đại Học Điện Lực cần biết, bạn có thể tra cứu tại đây.
9. Giữ gìn cẩn thận các giấy tờ pháp lý liên quan trong quá trình học tập và yêu chỉnh sửa nhanh chóng nếu có sai sót
Giấy trắng mực đen. Đã có rất nhiều những trường hợp các bạn sinh viên mất đi quyền lợi của mình chỉ vì làm mất các giấy tờ liên quan trong quá trình học tập tại trường. Một số giấy tờ quan trọng như giấy đặt cọc tiền. Cái tờ giấy này cực kỳ quan trọng luôn. Nếu bạn làm mất nó là khi ra trường không lấy lại được tiền đặt cọc ban đầu đâu! (!!!). Ngoài ra, trong quá trình học tập, thi cử, khi thầy cô báo điểm có sai sót gì, thì phải thắc mắc, đề nghỉ để được giải quyết ngày. Chắc chắn rằng các thông tin về Họ và tên, Ngày sinh, Giới tính, Mã sinh viên, Điểm... đều chính xác và thống nhất xuyên suốt các năm học. Một số contact của phòng Đào tạo cần biết:
TT | Thông tin chung | Nhũng nhiệm vụ chính |
1 | Họ và tên: Bùi Đức Hiền Học hàm - học vị: GVC.Tiến sĩ Chức vụ: Trưởng phòng | - Phụ trách chung. - Trực tiếp quản lý công tác tuyển sinh, Kế hoạch đào tạo, Thanh tra đào tạo, Liên kết đào tạo, Dự án Điện Hạt nhân, Nhóm Re2 - Ủy viên thường trực Hội đồng tuyển sinh |
2 | Họ và tên: Kiều Tuấn Anh Học hàm - học vị: Thạc sĩ Chức vụ: Phó Trưởng phòng | - Quản lý hoạt động xây dựng chương trình và giáo trình. - Quản lý công tác mở ngành đào tạo mới - Quản lý và kiểm tra công tác triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo (TKB, tiến độ, trực giảng v.v) - Thay mặt trưởng phòng điều hành chung khi Trưởng phòng đi công tác |
3 | Họ và tên: Nguyễn Thị Phương Dung Học hàm - học vị: GVC.Thạc sĩ Chức vụ: Phó Trưởng phòng | - Tiến độ, kế hoạch Đào tạo, khối lượng giảng dạy. - Hợp đồng giảng dạy của giáo viên và cán bộ kiêm nhiệm. - Quản lý các lớp liên kết ngoài trường. - Thanh tra đào tạo. - Công tác tổ chức thi giáo viên giỏi, thi học sinh giỏi. |
4 | Họ và tên: Nguyễn Đình Chiến Học hàm - học vị: Thạc sĩ Chức vụ: Chuyên viên | - Triển khai việc mở mã ngành mới - Công tác liên quan đến cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyển sinh, quảng cáo tuyển sinh - Xin cấp phôi bằng, in bằng tốt nghiệp - Quản lý, theo dõi việc thực hiện kế hoạch giảng dạy của các lớp liên kết ngoài trường. |
5 | Họ và tên: Nguyễn Thị Hồng Lam Học hàm - học vị: Thạc sĩ Chức vụ: Chuyên viên | - Quản lí theo dõi việc nhập học sau khi trúng tuyển, biên chế các lớp học. Quản lý việc thực hiện tiến độ đào tạo ở tất cả các hệ đào tạo trong trường và ngoài trường. - Quản lý, theo dõi khối lượng giảng dạy, tạm ứng thừa giờ của giảng viên. - Triển khai thực hiện các công văn báo cáo đột xuất hoặc định kỳ theo yêu cầu của cấp trên. |
6 | Họ và tên: Hoàng Thu Hồng Học hàm - học vị: Thạc sĩ Chức vụ: Chuyên viên | -Các vấn đề liên quan đến tuyển sinh TCCN, hệ Nghề, hệ liên thông trong trường và ngoài trường, các lớp liên kết. |
7 | Họ và tên: Vũ Thị Thoa Học hàm - học vị: Thạc sĩ Chức vụ: Chuyên viên | - Quản lí các lớp hệ Đại học - Các vấn đề liên quan đến điểm thi của sinh viên hệ Đại học - Tổ chức thi tốt nghiệp hệ Đại học - Quản lý Bằng tốt nghiệp, chứng chỉ, giấy chứng nhận tốt nghiệp hệ Đại học |
8 | Họ và tên: Tô Phương Lan Học hàm - học vị: Thạc sĩ Chức vụ: Chuyên viên | - Quản lí các lớp Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, hệ đào tạo nghề. - Các vấn đề liên quan đến điểm của các hệ đào tạo nói trên - Tổ chức thi tốt nghiệp hệ CĐ, TCCN, các lớp hệ đào tạo nghề - Quản lý Bằng tốt nghiệp, chứng chỉ, giấy chứng nhận tốt nghiệp hệ CĐ, TCCN, Nghề |
9 | Họ và tên: Lê Thị Việt Anh Học hàm - học vị: Thạc sĩ Chức vụ: Chuyên viên | Trực giảng ở Cơ sở 1: xếp thời khóa biểu, theo dõi tiến độ giảng dạy, tổ chức cho sinh viên học lại, học trả nợ môn. |
10 | Họ và tên: Trần Thị Kim Dung Học hàm - học vị: Thạc sĩ Chức vụ: Chuyên viên Mail: dungttk@epu.edu.vn | Các vấn đề liên quan tới tuyển sinh hệ Chính quy |
11 | Họ và tên: Nguyễn Văn Hòa Học hàm - học vị: Cử nhân Chức vụ: Chuyên viên | Trực giảng ở Cơ sở 2: xếp thời khóa biểu, theo dõi tiến độ giảng dạy, tổ chức cho sinh viên học lại, học trả nợ môn. |
12 | Họ và tên: Nguyễn Thị Nương Học hàm - học vị: Cử nhân Chức vụ: Giảng viên Mail: nuongnt@epu.edu.vn | Trực giảng ngoài giờ, Thứ 7 và Chủ nhật |
10. Hãy học nghiêm túc trong 2 năm đầu nếu muốn các năm sau không phải đi "chạy show"
Cái này là kinh nghiệm do mình đúc kết sau một khoảng thời gian học đại học. Hầu hết các bạn sinh viên đều cho rằng lên các năm sau, điểm các môn chuyên ngành sẽ cao hơn các năm trước, từ đó điểm có thể kéo lên được. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có một cái bằng đẹp (như Khá trở lên chẳng hạn) hoặc không muốn phải chật vật mãi mới ra được trường thì 2 năm đầu nên chú tâm học một tý. Bởi nếu 2 năm đầu mà thả phanh quá nhiều thì tâm lý đấy sẽ kéo dài cho các năm sau, rất không có lợi cho bạn sau này. Điều này mình đã mắc phải! :(
Vì vậy, chú ý rằng, trong 2 năm đầu, điểm bạn càng cao bao nhiêu thì những năm học sau này bạn sẽ đỡ vất vả đi học lại hoặc học cải thiện bấy nhiêu.
Để kết thúc chủ đề này, mình muốn tổng kết, thâu tóm lại những nội dung chính mà sinh viên năm nhất nói riêng và sinh viên nói chung biết, nắm rõ và chuẩn bị:
- Tiền: để nhập học, thuê nhà, đóng học phí, mua sách vở...
- Kiến thức: kiến thức chuyên ngành, kiến thức xã hội...
- Kỹ năng: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng "chém gió"....
- Mối quan hệ: bạn bè, thầy cô, anh em, đồng nghiệp...
Cuối cùng, chúc các bạn sinh viên khoá D8 và C12 nhập trường với một tâm thế sẵn sàng, thoải mãi. Chúc các bạn có một kỳ học đạt kết quả cao và nhiều kỷ niệm./.
10 điều sinh viên năm nhất cần biết
Reviewed by Nguyễn Hoài Sơn
on
08:03
Rating: